MỘT VÀI ĐIỂM ĐẶC TRƯNG TRONG VĂN HÓA NHẬT BẢN

Nói đến Nhật Bản thì chúng ta sẽ hình dung đến một đất nước từng được biết đến là Quân Phiệt hiếu chiến, một nước trước đây từng là một phatxit. Và đồng thời, tại thế chiến thứ 2, Nhật Bản cũng là một nước phải gánh chịu hậu quả nặng nề từ 2 quả bom nguyên tử. 

Nhưng ngày nay, Nhật Bản được thế giới biết đến là một nước có sự phát triển vượt bậc về công nghệ, kỹ thuật. Không chỉ thế, người Nhật Bản còn được biết đến với sự khiêm tốn, thật thà và ý thức kỷ luật cũng như tinh thần trách nhiệm cao. Và dường như, văn hóa ứng xử của người Nhật Bản rất được thế giới tôn trọng và ngưỡng mộ. 

Bản thân mình cũng từng gặp gỡ và kết bạn với những người bạn đến từ Nhật Bản, qua họ, mình luôn cảm nhận được sự chân thành, thật thà, ý thức kỷ luật trong cách sống và ứng xử với mọi người xung quanh. Ở họ luôn có những nhận thức về cách ứng xử đôi khi khiến chúng ta phải bất ngờ và nể phục. 

Và một điểm khá thú vị là người Nhật có những nét văn hóa truyền thống và văn hóa ứng xử rất đặc trưng và thú vị. Trong bài này mình xin chia sẻ đến bạn một vài nét đặc trưng này về cả văn hóa ứng xử và văn hóa truyền thống của họ

1. Tôn giáo

Nếu đọc về tôn giáo đất nước Nhật Bản thì chúng ta sẽ thấy sự phát triển về Đạo Giáo tại Nhật Bản trải qua nhiều thời kỳ và đã có nhiều sự thay đổi để có thể dung hòa những tôn giáo tồn tại trong đất nước Nhật Bản. Một trong những điểm làm mình rất ấn tượng về tôn giáo Nhật Bản đó là sự thay đổi để phù hợp và có thể dung hòa giữa những đạo giáo du nhập từ bên ngoài vào Nhật Bản. Và họ đã từng có những tôn giáo là sự kết hợp của những ưu điểm của nhiều tôn giáo khác nhau và cũng là sự dung hòa cởi mở giữa những tôn giáo khác nhau. 

Ở Nhật Bản thì tồn tại chủ yếu hai tôn giáo chính là Thần Đạo và Phật giáo. 

Có một lần mình ngồi hỏi chuyện một người bạn của mình, là một cô gái người Nhật, là người Nhật suy nghĩ gì mà họ lại luôn giữ ý thức cao trong ứng xử hằng ngày giữa người với người và cả trong công việc. Họ có thể tự giác trả tiền cho một quầy hàng không có người chông coi, hay tự ý thức xếp hàng…., người bạn của mình nói rằng: Ở Nhật Bản, mọi người tin vào God, một đấng thần siêu nhiên, và đấng này tồn tại trong vạn vật, trong gió, trong nước, trong ánh mặt trời…. tồn tại mọi nơi và có thể thấy được bản thân họ làm gì, nghĩ gì. Và chính vì niềm tin đó nên họ luôn tự giác và ý thức những việc làm của mình. Điều này làm cho mình cảm thấy rất thú vị và ngưỡng mộ. 

Cô bạn còn kể thêm, hồi nhỏ, khi ngồi ăn cơm, ba mẹ cô thường nói là trong hạt cơm có tồn tại vị thần đó nên phải biết trân trọng và ăn hết không được để thừa. Chính vì vậy nên cô không bao giờ dám để thừa cơm dư mà luôn cố gắng ăn hết. Nói đến đây mình nhớ đến mình hồi nhỏ, thường hay bị người lớn mang ma, ông kẹ .. ra để hù mình ăn cơm cho hết. So sánh vui thì thấy, một bên ăn hết cơm từ sự trân trọng, biết ơn, ý thức, còn một bên là nỗi sợ hãi. 🙂

2. Trà Đạo Nhật Bản

Trà đạo là một nét văn hóa cũng rất đặc trưng tại Nhật Bản, nét văn hóa này được hình thành từ thế kỷ thứ 12 tại Nhật Bản. Trà đạo tại Nhật Bản được pha từ một loại bột, đó là bột trà xanh Matcha mà ngày nay chúng ta thường dùng với nhiều mục đích khác nữa, nhưng bột Matcha này bắt nguồn từ thế kỷ thứ 10 nhưng tại Nhật Bản, chúng được sử dụng trong lễ hội trà Đạo truyền thống. 

Tinh thần trong Trà Đạo rất triết lý, nó không chỉ là một nghệ thuật pha trà, thưởng thức trà, mà còn ẩn chứa những triết lý sống cao siêu được áp dụng từ trong tinh thần và giáo lý Phật Giáo. Tinh thần Trà Đạo được thể hiện qua 4 chữ : Hòa – Kính – Thanh – Tịch, mình cũng đã có bài viết giới thiệu chi tiết về nét văn hóa độc đáo này, các bạn tìm đọc nhé. 

3. Văn hóa giao tiếp 

Một trong những lễ nghi được xem là chuẩn mực tại Nhật Bản trong văn hóa giao tiếp đó chính là văn hóa chào hỏi – cúi chào. Thường thì tất cả những lời chào hỏi của người Nhật bao giờ cũng phải cúi mình và kiểu cúi chào như nào thì lệ thuộc vào địa vị xã hội và hoàn cảnh giao tiếp. 

Một quy tắc bất thành văn của người Nhật là người nhỏ luôn phải cúi chào người trên trước. Cấp bậc trên dưới thì có thể được phân theo tuổi tác, người lớn tuổi là người trên của người ít tuổi hơn, người Nam thường là người trên của người Nữ, người Thầy ( không kể tuổi tác ) là người trên, hay khách sẽ là người trên …

Và thường sẽ có 3 kiểu cúi chào phổ biến: 

1. Kiểu Saikeirei: Kiểu này là kiểu chào mang tính chất cung kính nhất, thể hiện sự kính trọng sâu sắc. Kiểu này thường được dùng trong các đền thờ của Thần Đạo, Chùa, Quốc Kỳ, Thiên Hoàng…, cách chào này thường là cúi xuống từ từ, hình thức cúi thấp nhất là hình thức cúi chào thể hiện sự cung kính cao nhất. 

2. Kiểu cúi chào bình thường: Kiểu chào này, người Nhật sẽ cúi khoảng 20-30 độ, giữ trong khoảng 2-3 giây. Đây là kiểu chào phổ biến và mang tính trang trọng, lịch sự. Nếu trong trường hợp ngồi chào, thì người chào sẽ đặt lòng bàn tay úp xuống, hay tay cách nhau khoảng 10-20cm và cúi cách sàn nhà khoảng 15-20cm. 

3. Kiểu khẽ cúi chào: Kiều này thì người chào sẽ để tay hai bên hông, thân mình và đầu cúi nhẹ giữ trong khoảng 1-2 giây. Kiểu chào này là kiểu chào xã giao phổ biến. Thường trong lần đầu gặp thì có thể sẽ chào theo kiểu 2 bên trên, và sau đó, họ sẽ chào nhau xã giao theo kiểu này. 

4. Trang phục truyền thống Kimono

Nói đến Nhật Bản thì không thể không nói đến trang phục truyền thống là Kimono. Kimono thì có cả cho Nam và Nữ, thường thì Kimono cho Nam sẽ ít màu sắc và thường màu tối. Còn Nữ thì sẽ có nhiều màu sắc hơn. Tuy nhiên, Kimono cho Nữ thì chỉ có một kích cỡ, với 2 loại là tay ngắn và tay rộng. 

Để mặc Kimono cũng không dễ dàng và thường cần có người hỗ trợ chứ khó để có thể tự mặc một mình. Để mặc Kimono thì cần mặc một lớp áo Juban trước, sau đó sẽ mặc Kimono bên ngoài để tránh bị dơ. Người mặc Kimono sẽ quấn theo thứ tự bên phải vào trước, bên trái vào sau và sau đó là thắt lại bằng thắt lưng Obi bằng lụa rất đắt tiền. Còn thứ tự quấn ngược lại là bên trái trước bên phải sau thì thường mang ý nghĩa là đi dự tang lễ. 

Người mặc Kimono sẽ mang thêm một đôi guốc gỗ và mang vớ Tabi trắng. 

Cái này mình thường thấy trong những bộ phim cổ Nhật Bản, hình ành người phụ nữ mang trên mình một bộ Kimono gợi lên hình ảnh một người phụ nữ tận tụy vì gia đình. 

5. Một vài nét văn hóa nhỏ rất thú vị của người Nhật

Khi đi vào nhà một người Nhật thì nên để giầy ở bên ngoài và xoay mũi giầy ra ngoài. 

Một điểm mà mình thấy rất thú vị ở người Nhật nữa là khi ăn, thường là ăn mỳ hay ramen. Họ thường tạo ra âm thanh sụp soạp khi thưởng thức. Đây giống như là một cách thể hiện họ rất thích món ăn này và đồng thời mang ý nghĩa gửi lời cám ơn và sự trân trọng đối với người làm ra nó. 

Khi tặng quà, người Nhật thường khá câu lệ trong việc trao tặng và cách dùng ngôn từ để thể hiện. Thường khi tặng quà, họ sẽ giữ một sự khiêm tốn, giống như: Món quà này không được đẹp lắm, nó cũng hơi xấu xí, nhưng là tấm lòng của tôi rất mong bạn nhận nó. Rồi vừa cúi vừa tặng nó. Bạn có thể hình dung như vậy 🙂 khá thú vị đúng không. 

Trên đây là một vài điểm khá đặc trưng và thú vị trong văn hóa của Nhật Bản, trong đó có cả những điều mình tìm hiểu và cả những điều mình đã được trải nghiệm. 🙂

Cám ơn bạn đã đọc bài chia sẻ này. 

Xem thêm: Cách pha trà đạo, một nghệ thuật độc đáo Nhật Bản